Vitamin E (Tocopherol)
Vitamin E (Tocopherol) được phát hiện vào năm 1922 và được công nhận như là một hợp chất có tác dụng phục hồi khả năng sinh sản, các nhà khoa học đã đặt cho nó tên hóa học là tocopherol, tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “sinh con”
Vitamin E có dạng dầu sền sệt, màu vàng nhạt, hòa tan trong chất béo hoặc cồn và không hòa tan trong nước. Vitamin E bền với và acid nhưng không bền trong môi trường kiềm, bị phân hủy bởi tia tử ngoại.
Nấu nướng với nhiệt độ bình thường không làm mất vitamin E trong thực phẩm, nhưng khi chiên rán ngập trong chất béo, hoặc đóng hộp, sấy khô thì vitamin E mất đi khá nhiều.
Công dụng
Với đặc tính bị oxy hóa chậm nên vitamin E là một chất chống oxy hóa rất hữu hiệu. Vitamin E bảo vệ các mô, giúp chế tạo và bảo vệ hồng huyết cầu, giúp cơ thể hấp thụ vitamin K.
Vì là chất chống oxy hóa nên vitamin E có vai trò như là một chất thu dọn gốc tự do, vitamin E bảo vệ các acid béo không bão hòa (PUFA) và cholesterol trong màng tế bào, bảo vệ hệ thần kinh, làm tăng tuần hoàn máu nên làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bảo vệ hệ cơ, xương và võng mạc mắt.
Vitamin E có tác dung bảo vệ các tế bào hồng cầu (RBCs) đặc biệt có hàm lượng acid béo không bão hòa cao khỏi bị tán huyết nên được dùng để phòng bệnh thiếu máu tan máu ở trẻ sơ sinh thiếu tháng
Vitamin E kết hợp với vitamin C tạo thành nhân tố quan trọng làm chậm sự phát sinh của một số bệnh ung thư.
Vitamin E cần thiết đối với chức năng miễn dịch bình thường, đặc biệt đối với chức năng của tế bào lympho T do đó tăng sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng. Đặc tính này có lẽ cũng giúp trì hoãn các triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ.
Những cuộc nghiên cứu sơ khởi cho thấy vitamin E có khả năng ngăn ngừa các chứng bệnh tim mạch, kể cả những chứng nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não, vì nó làm giảm bớt sự kết tụ của cholesterol xấu LDL (low-density lipoprotein) ở trong mạch máu.
Vitamin E còn làm giảm nguy cơ bệnh cườm mắt (cataract) nhờ khả năng chống oxy hóa.
Trái với sự tin tưởng của nhiều người, vitamin E không có vai trò gì trong việc làm cho tăng khả năng tình dục của nam giới.
Nguồn cung cấp
Hàm lượng vitamin E khá cao trong các loại dầu thực vật, quả hạch, hạt hướng dương, mầm lúa mì, hạt ngũ cốc toàn phần, lạc, rau bina, cải xoăn.
Thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt, cá, mỡ động vật cũng như hầu hết trái cây và rau quả là những nguồn nghèo vitamin E.
Lượng tocopherol trong thực phẩm giảm sau khi chế biến. 2/3 vitamin E có thể bị mất đi trong quá trình sản xuất dầu thực vật thương mại.
Trong quá trình xay bột thông thường, mầm lúa mì chứa nhiều vitamin E nhất, bị loại bỏ. Quá trình tẩy trắng bột loại đi hầu hết những gì còn lại của vitamin này.
Vitamin E cũng dễ bị phá huỷ khi để ngoài ánh sáng mặt trời và ôxy không khí.
Nhu cầu
Vitamin E được hấp thụ ở ruột non nhờ có mật và chất béo. Vitamin E lưu chuyển trong máu và được dự trự trong tế bào mỡ, gan, bắp thịt, phần dư thừa được bài tiết qua phân.
Rất ít gặp biểu hiện thiếu và thừa vitamin E ở người. Mỗi ngày cơ thể chỉ cần khoảng 8mg vitamin E, nên thức ăn thường ngày sẽ cung cấp đủ.
Dùng trên 800mg/ngày có thể gây nhức đầu, buồn nôn, khó chịu dạ dày. Liều cao kéo dài gây rối loạn đường ruột (nôn ói, tiêu chảy...), làm yếu cơ bắp và gây rối loạn sinh sản.
Thừa vitamin E cũng làm giảm khả năng hấp thụ các vitamin A, D và K, do đó phát sinh triệu chứng thiếu các vitamin này. Khi đang dùng thuốc Coumadin (warfarin) chống loãng máu, liều cao vitamin E có thể gây xuất huyết nhiều hơn.
Ảnh hưởng lâu dài khi dùng nhiều vitamin E vẫn chưa được làm rõ, nên các chuyên gia y tế khuyên không nên dùng quá nhiều loại vitamin này.
Khuyến nghị mức tiêu thụ sắt trong khẩu phần hàng ngày
Nguồn: Nutri ALL
Thận trọng: Thông tin trên không phải là tư vấn y tế và chỉ dùng để tham khảo hoặc nghiên cứu. Hãy xin ý kiến bác sĩ trước khi điều trị hoặc bổ sung dinh dưỡng.