Vitamin K (Phylloquinone)
Vitamin K (Phylloquinone) có màu vàng, hòa tan trong dung dịch chất béo, bền vững với nhiệt và quá trình oxy hoá nhưng bị phá huỷ bởi ánh sáng, dung dịch chất kiềm và rượu
Vitamin K có 3 loại bao gồm vitamin K1 nguồn gốc tự nhiên trong thực phẩm thực vật, vitamin K2 từ các thực phẩm tự nhiên động vật, được sản xuất bởi các vi khuẩn ở ruột già và vitamin K3 là chất tổng hợp menadione.
Công dụng
Vitamin K được thẩm thấu vào máu và đưa tới gan để tổng hợp chất prothrombin tham gia vào quá trình đông máu. Vitamin K có nhiệm vụ giúp cơ thể chống chảy máu khi bị thương trên da thịt hay xuất huyết trong cơ quan nội tạng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy vitamin K có thể giúp tăng sức chịu đựng của bộ xương người già. Vitamin K có tác dụng gắn các phân tử carbon dioxide vào các glutamate dư trên protein làm tăng tiềm năng gắn calci vào xương.
Ảnh hưởng của thiếu hoặc thừa vitamin K
Biểu hiện chính của thiếu vitamin K là thời gian đông máu kéo dài và hậu quả là chứng chảy máu do thiếu vitamin K.
Không có biểu hiện ngộ độc do ăn vào quá nhiều vitamin K. Tuy nhiên, truyền nhiều vitamin K3 (menadione tổng hợp) hoặc các muối của nó để dự phòng thiếu vitamin K có liên quan đến xuất huyết và độc hại cho gan.
Thiếu vitamin K thường xảy ra ở người bệnh không có khả năng hấp thu lipid hoặc do uống nhiều thuốc kháng sinh khiến vi khuẩn trong ruột bị tiêu diệt, hoặc do không có khả năng hấp thụ vitamin K từ thực phẩm.
Nguồn cung cấp
Các vi khuẩn trong ruột tạo ra khoảng 80% nhu cầu vitamin K, số còn lại do thức ăn cung cấp.
Lượng vitamin K cao nhất ở các loại rau lá xanh (từ 120 đến 750 µg/100g), tuy nhiên, cũng có ở trái cây, ngũ cốc, hạt quả, trứng, một số loại thịt. Vitamin K cũng có nhiều trong một vài loại dầu ăn như dầu đậu tương, dầu hướng dương, dầu hạt nho.
Gan là nơi dự trữ vitamin K chính nên gan động vật có nhiều vitamin K (từ 20 đến 100 mg/100g) nhiều hơn hơn thịt (từ 1 đến 50 mg/100g)
Vitamin K3 (menadione) cũng có tác dụng như vitamin K trong tự nhiên.
Nhu cầu và giới hạn tiêu thụ
Mỗi ngày bình quân người trưởng thành nên tiêu thụ khoảng 150µg. Số lượng này có thể được cung cấp dễ dàng từ thực phẩm nên không cần phải uống thêm vitamin K.
Một số bệnh nhân bị bệnh kém hấp thu chất béo mạn tính thường xuyên dùng vitamin K với liều 10-20 mg/ngày mà không bị các tác dụng phụ.
Các chế phẩm tổng hợp của menadione (vitamin K3) hoặc muối của nó rất tốt trong dự phòng thiếu vitamin ở trẻ sơ sinh.
Đối tượng trẻ sơ sinh có lượng dự trữ vitamin K thấp, trong khi hàm lượng vitamin K trong sữa mẹ không cao, lượng vitamin K sản sinh trong ruột chưa đầy đủ, nên trẻ ở độ tuổi này rất dễ bị thiếu vitamin K, gây nên xuất huyết não-màng não. Để đề phòng xuất huyết nội sọ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cần cho tất cả trẻ sơ sinh cả thiếu tháng và đủ tháng tiêm hoặc uống một liều vitamin K 0,5 - 1 mg ngay sau khi sinh.
Khuyến nghị mức tiêu thụ vitamin K trong khẩu phần hàng ngày
Nguồn: Nutri ALL
Thận trọng: Thông tin trên không phải là tư vấn y tế và chỉ dùng để tham khảo hoặc nghiên cứu. Hãy xin ý kiến bác sĩ trước khi điều trị hoặc bổ sung dinh dưỡng.