Vitamin C (Acid ascorbic)
Theo bác sĩ Nguyễn Ý Đức, từ những năm 1550 trước Công nguyên, các nhà y học đã mô tả một bệnh có khả năng gây tử vong ở những thủy thủ phải lênh đênh trên biển nhiều tháng trời. Thực phẩm chính của họ là đồ khô, không trái cây, không rau tươi. Đó là bệnh Scurvy, tiếng Pháp là Scorbut.
Bệnh có triệu chứng là gây chảy máu và sưng nướu răng, chảy máu dưới da. Kéo dài lâu ngày, bệnh nhân có thể tử vong.
Năm 1535, nhà thám hiểm người Pháp Jacques Cartier nhận thấy rằng thủy thủ dùng một loại nước uống của thổ dân Canada thì lành bệnh. Trong đó có pha nước của trái chanh.
Vào năm 1932, sau nhiều nghiên cứu kế tiếp, các nhà khoa học đã tìm ra trong trái chanh có chứa chất kết tinh có khả năng chữa và ngừa bệnh Scurvy. Đó chính là vitamin C, tên khoa học là acid ascorbic.
Đến năm 1933, người ta tổng hợp được vitamin C.
Ngày nay, vitamin C rất phổ biến và được nhiều người dùng bổ sung với nhiều mục đích khác nhau, nhất là để phòng và chữa cảm cúm, và chống sự oxy hóa trong cơ thể.
Acid ascorbic là những tinh thể bột không mùi, màu trắng, dễ hòa tan trong nước, và dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ, ánh sáng, oxy, dung dịch kiềm, đồng và sắt.
Công dụng
Không giống như đa số các vitamin tan trong nước, vitamin C không hoạt động như coenzym mà đóng vai trò như một chất phản ứng, có chức năng như một chất chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây oxy hóa có hại.
Vai trò riêng biệt của vitamin C là tham gia vào quá trình tạo keo (hình thành collagen), tổng hợp carnitin, tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, hoạt hóa các hormon, khử độc của thuốc, là chất chống oxy hóa, giúp hấp thu và sử dụng sắt, calci và acid folic. Ngoài ra, vitamin C còn có chức năng chống lại dị ứng, làm tăng chức năng miễn dịch, kích thích tạo dịch mật và giải phóng các hormon steroid.
Vitamin C cần cho chuyển đổi cholesterol thành acid mật, liên quan đến giải độc.
Vitamin C có nhiều công dụng quan trọng khác như:
– Duy trì các mô tiếp nối, giúp mau lành vết thương.
– Giúp duy trì răng lợi trong tình trạng tốt.
– Giảm mức cholesterol xấu (LDL) trong máu, làm thành mạch máu bền vững hơn.
– Giúp phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể.
– Làm giảm triệu chứng của cảm lạnh.
– Là chất chống oxy hóa rất tốt.
– Giúp sự chuyển hóa chất béo, các acid amin như thyroxine và tryptophan.
Một số nghiên cứu khác cũng cho rằng dùng vitamin C với liều lượng cao (300mg mỗi ngày) có thể kéo dài tuổi thọ.
Vitamin C hiện đang được nghiên cứu về khả năng chống oxy hóa làm tổn thương tế bào.
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc hút thuốc lá liên tục làm giảm vitamin C trong cơ thể.
Nguồn cung cấp
Vitamin C có nhiều trong các loại trái chua như chanh, cam, dâu, cà chua... hoặc trong súp lơ xanh, khoai lang, khoai tây... Các loại thịt, cá chứa rất ít vitamin C.
Vitamin C trong thực phẩm rất dễ bị phân hủy trong quá trình chế biến, gặt hái, nấu nướng và bảo quản. Thực phẩm tươi nên dùng sớm, hoặc cất giữ nơi nhiệt độ lạnh, nấu với ít nước, không nấu trong nồi bằng đồng, sắt, và nên ăn ngay sau khi nấu.
Nhu cầu
Mỗi ngày trung bình người trưởng thành nên tiêu thụ khoảng 100mg vitamin C.
Hiện nay thiếu vitamin C hiếm gặp, do đã biết được nguyên nhân và có biện pháp điều trị đơn giản, hiệu quả. Bệnh còn có thể gặp ở những người lớn tuổi, sống độc thân, chế độ ăn thiếu hoa quả và rau. Đôi khi bệnh cũng gặp ở nam giới trẻ tuổi và những người nghiện rượu ăn chế độ ăn bị hạn chế. Thiếu vitamin C trầm trọng có thể đưa tới bệnh Scurvy với những triệu chứng ban đầu không đặc hiệu như mệt mỏi, thở nông, chậm hoặc không lành vết thương và có những nốt xuất huyết da, xuất huyết ở lợi. Chế độ ăn bị hạn chế vitamin C kéo dài có thể dẫn đến mất máu do xuất huyết thành mạch.
Dùng vitamin C liều cao trên 8g/ngày có thể gây tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa.
Khuyến nghị mức tiêu thụ vitamin C trong khẩu phần hàng ngày (*)
* Chưa bao gồm lượng vitamin C bị hao hụt trong quá trình chế biến thực phẩm. Vitamin C dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao, ánh sáng và môi trường kiềm
Nguồn: Nutri ALL
Thận trọng: Thông tin trên không phải là tư vấn y tế và chỉ dùng để tham khảo hoặc nghiên cứu. Hãy xin ý kiến bác sĩ trước khi điều trị hoặc bổ sung dinh dưỡng.