Vitamin B3 (PP - Niacin)

Theo bác sĩ Nguyễn Y Đức đề cập trong sách Dinh dưỡng và Thực phẩm, năm 1730, y sĩ Tây Ban Nha Gaspar Casal mô tả một chứng bệnh với các vết viêm loét trên da, tiêu chảy trầm trọng và thay đổi tính tình như cáu kỉnh, lo sợ, buồn rầu rồi đi dần tới mất định hướng, hoang tưởng. Bệnh xuất hiện ở những người lấy ngô (bắp) làm thực phẩm chính. Ông ta đặt tên bệnh là Pellagra, trong tiếng Tây Ban Nha thì pella có nghĩa là da, và agra nghĩa là cáu kỉnh.

Sau đó bệnh lan tràn ra nhiều quốc gia khác trồng ngô ở châu Âu và châu Phi.

Ở Hoa Kỳ, vào thời kỳ nội chiến, dân chúng miền Nam chỉ có ngô để ăn, nên cũng có nhiều người bị bệnh này và thiệt mạng.

Nghiên cứu khoa học trong những thế kỷ kế tiếp theo đã cho thấy rằng, ngô thiếu một chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể nên việc chọn ngô làm thực phẩm chính mới dẫn đến mắc bệnh Pellagra. Chất bị thiếu đó chính là vitamin B3 (hay còn có tên gọi khác là vitamin PP hoặc niacin), tên gọi chỉ chung cho acid nicotinic và nicotinamid. 

Tuy nhiên, câu chuyên trên cần phải xem xét lại vì theo các số liệu được công bố trong cơ sở dữ liệu về thực phẩm của Bộ Nông lương Hoa Kỳ cũng như Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam thì ngô (bắp) chứa hàm lượng nacin không nhỏ, trong 100gam ngô hạt tươi chưa khoảng 1.7 mg niacin, với ngô hạt khô hoặc bột ngô, có khoảng khoảng từ 2mg đến 3.3mg niacin trong 100 gam.

 Biểu hiện của bệnh Pellagra do thiếu vitamin B3 như sau:

- Viêm da, vết thương viêm da lúc đầu trông giống như vết bỏng nắng có thể tiến triển tới nứt nẻ, bong vảy, chai cứng da, và màu da bị sậm lại, có tính đối xứng hai bên.

- Viêm, liệt thần kinh ngoại biên: thay đổi dáng đi, lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi, chán ăn, tê liệt và run.

- Tổn thương đường tiêu hóa: viêm lưỡi (bệnh lưỡi bò), buồn nôn, nôn và tiêu chảy

- Các triệu chứng giảm nhanh chóng khi được điều trị bằng acid nicotinic

- Có thể giảm tiết acid dịch vị gây giảm hấp thu vitamin B12.

- Thiếu máu

- Bệnh có thể tiến triển tới tử vong

Vitamin B3 là những tinh thể không màu, vị chua, hòa tan trong nước, không bị phân hủy bởi các điều kiện nhiệt độ, ánh sáng, acid, kiềm, và sự oxy hóa.

Công dụng

Vitamin B3 có các chức năng sau đây:

– Cần thiết cho sự hô hấp của tế bào.

– Cần thiết cho việc chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng

– Giúp duy trì các chức năng của da, dây thần kinh và hệ tiêu hóa.

– Điều hòa lượng đường và cholesterol trong máu. Việc này phải theo đơn của bác sĩ vì thuốc có nhiều tác dụng phụ khó chịu.

– Cần thiết để cơ thể tạo thành những hormon căn bản như cortisone, estrogen, progesterone, thyroxin...

Nguồn cung cấp

Cơ thể có khả năng tạo thành vitamin B3 từ chất tryptophan có trong chất đạm động vật, hoặc hấp thụ trực tiếp vitamin B3 có trong thực phẩm.

Vitamin B3 có nhiều trong các thực phẩm như gan, thận, thịt nạc, thịt gà, cá nục, cá mòi, nấm, các loại hạt, sữa, pho mát, ngũ cốc, rau, trứng, cà phê. Ngoài ra, niacin còn có nhiều trong khoai tây, rau có lá xanh thẫm, bánh mỳ.

Niacin tổng hợp cũng công hiệu như dạng tự nhiên và giá thành vừa phải.

Trong thịt động vật có nhiều chất tryptophan là tiền thân của niacin.

Nhu cầu

Mỗi ngày nên tiêu thụ trong khoảng từ 5-17mg vitamin B3, tỷ lệ thuận với mức tiêu thụ năng lượng cho trong ngày.

Dùng vitamin B3 với liều quá cao (trên 3g/ngày) có thể làm hại gan, gây viêm ngứa da, mặt đỏ bừng, cảm giác chóng mặt... Liều cao hơn nữa có thể làm cơ thể không hấp thụ được carbohydrat và gây cảm giác bồn chồn, không yên...

Hội đồng Dinh dưỡng và thực phẩm Mỹ ước tính giới hạn tiêu thụ vitamin B3 đối với người trưởng thành là 35mg/1 ngày

Khuyến nghị mức tiêu thụ vitamin B3 (niacin) trong khẩu phần hàng ngày

Nhóm tuổi
Nam Nữ Giới hạn tiêu thụ
0-5 tháng 2 mg 2 mg -
6-8 tháng 4 mg 4 mg -
9-11 tháng 4 mg 4 mg -
12-36 tháng 6 mg 6 mg 10 mg
3-5 tuổi 8 mg 8 mg 10 mg
6-7 tuổi 8 mg 8 mg 15 mg
8-9 tuổi 12 mg 12 mg 15 mg
10-11 tuổi 12 mg 12 mg 20 mg
12-14 tuổi 12 mg 12 mg 20 mg
15-19 tuổi 16 mg 14 mg 30 mg
20-29 tuổi 16 mg 14 mg 35 mg
30-49 tuổi 16 mg 14 mg 35 mg
50-69 tuổi 16 mg 14 mg 35 mg
≥ 70 tuổi 16 mg 14 mg 35 mg
Phụ nữ có thai 18 mg 35 mg
Phụ nữ cho con bú 17 mg 35 mg

 Nguồn: Nutri ALL


Thận trọng: Thông tin trên không phải là tư vấn y tế và chỉ dùng để tham khảo hoặc nghiên cứu. Hãy xin ý kiến bác sĩ trước khi điều trị hoặc bổ sung dinh dưỡng.

Kiểm tra chỉ số

Xem kết quả
Xem kết quả