Năng lượng (Calo)

 Cơ thể con người là một cỗ máy có cấu trúc tinh vi, để cỗ máy này có thể hoạt động được cần cung cấp cho nó năng lượng, năng lượng cho các hoạt động của con người được cung cấp thông qua các hoạt động nạp năng lượng (ăn, uống), dự trữ, tích lũy và chuyển hóa năng lượng từ các chất sinh năng lượng (chất đạm, chất béo và chất bột đường) có trong thực phẩm.

 Mỗi một gam chất đạm và chất bột đường (carbohydrate) có trong thực phẩm cung cấp mức năng lượng khoảng 4 kcal, một gam chất béo cung cấp khoảng 9 kcal, một gam cồn (ethanol) có trong các đồ uống chứa cồn (rượu, bia) cung cấp khoảng 7 kcal.

 Năng lượng được cơ thể sử dụng trong các hoạt động thể lực (vận động, suy nghĩ, làm việc) và chuyển hóa cơ bản (các hoạt động thở, tuần hoàn máu, kiểm soát nhiệt độ cơ thể, tăng trưởng tế bào, chức năng não và thần kinh, co cơ...)

 Mỗi người, tùy theo độ tuổi, giới tính, tình trạng sinh lý và mức độ hoạt động thể lực lại có nhu cầu sử dụng năng lượng trong các hoạt động thể lực và chuyển hóa cơ bản khác nhau. Để tính toán nhu cầu năng lượng người ta lấy năng lượng chuyển hóa cơ bản nhân với hệ số nhu cầu năng lượng của mỗi nhóm đối tượng.

 Khi cơ thể bị thiếu năng lượng, nó sẽ lấy năng lượng dữ trữ dưới dạng glycogen và các mô mỡ để sử dụng trong việc  duy trì các hoạt động của cơ thể.

 Thiếu năng lượng ảnh hưởng đến các hoạt động thể lực và chuyển hóa cơ bản của cơ thể dẫn đến việc không thể duy trì việc tăng trưởng, sinh hoạt và lao động một cách bình thường.

 Thiếu năng lượng kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng của cơ thể.

 Ngược lại, thừa năng lượng sẽ dẫn tới việc cơ thể chuyển năng lượng thừa sang dự trữ dưới dạng glycogen tích lũy ở gan và cơ hoặc dưới dạng các mô mỡ tích lũy dưới da, bám quanh các cơ quan nội tạng.

 Khi các cơ quan của cơ thể chịu trách nhiệm thực hiện việc chuyển hóa năng lượng bị quá tải, không đáp ứng được việc chuyển hóa năng lượng một cách bình thường thì nó sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa và đó là nguyên nhân sinh ra các bệnh mãn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu.

 Khoa học dinh dưỡng đã khẳng định: Nếu một người thường xuyên tiêu thụ năng lượng cao hơn nhu cầu tiêu thụ trung bình thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng thừa cân - béo phì.

KHUYẾN NGHỊ MỨC TIÊU THỤ NĂNG LƯỢNG HÀNG NGÀY ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT NAM

Nhóm đối tượng Nam Nữ
Mức hoạt động thể lực Nhẹ Trung bình Nặng Nhẹ Trung bình Nặng
Từ 0 đến 5 tháng tuổi - 550 kcal - - 500 kcal -
Từ 6 đến 8 tháng tuổi - 650 kcal - - 600 kcal -
Từ 9 đến 11 tháng tuổi - 700 kcal - - 650 kcal -
Từ 12 đến 36 tháng tuổi - 1.000 kcal - - 930 kcal -
Từ 3 đến 5 tuổi - 1.320 kcal - - 1.230 kcal -
Từ 6 đến 7 tuổi 1.360 kcal 1.570 kcal 1.770 kcal 1.270 kcal 1.460 kcal 1.650 kcal
Từ 8 đến 9 tuổi 1.600 kcal 1.820 kcal 2.050 kcal 1.510 kcal 1.730 kcal 1.940 kcal
Từ 10 đến 11 tuổi 1.880 kcal 2.150 kcal 2.400 kcal 1.740 kcal 1.980 kcal 2.220 kcal
Từ 12 đến 14 tuổi 2.200 kcal 2.500 kcal 2.790 kcal 2.040 kcal 2.310 kcal 2.580 kcal
Từ 15 đến 19 tuổi 2.500 kcal 2.820 kcal 3.140 kcal 2.110 kcal 2.380 kcal 2.650 kcal
Từ 20 đến 29 tuổi 2.200 kcal 2.570 kcal 2.940 kcal 1.760 kcal 2.050 kcal 2.340 kcal
Từ 30 đến 49 tuổi 2.010 kcal 2.350 kcal 2.680 kcal 1.730 kcal 2.010 kcal 2.300 kcal
Từ 50 đến 69 tuổi 2.000 kcal 2.330 kcal 2.660 kcal 1.700 kcal 1.980 kcal 2.260 kcal
Từ 70 tuổi trở lên 1.870 kcal 2.190 kcal 2.520 kcal 1.550 kcal 1.820 kcal 2.090 kcal
Phụ nữ có thai 3 tháng đầu thai kỳ Thêm 50 kcal
Phụ nữ có thai 3 tháng giữa thai kỳ Thêm 250 kcal
Phụ nữ có thai 3 tháng cuối thai kỳ Thêm 450 kcal
Phụ nữ cho con bú Thêm 500 kcal

Nguồn: Nutri ALL


Thận trọng: Thông tin trên không phải là tư vấn y tế và chỉ dùng để tham khảo hoặc nghiên cứu. Hãy xin ý kiến bác sĩ trước khi điều trị hoặc bổ sung dinh dưỡng.

Kiểm tra chỉ số

Xem kết quả
Xem kết quả