Vitamin B1 (Thiamin)

 Theo bác sĩ Nguyễn Ý Đức, vitamin B1 (thiamine) gắn liền với một bệnh nan y mà người Trung Hoa đã biết tới cách đây nhiều ngàn năm. Đó là bệnh tê phù do suy nhược hệ thần kinh (beriberi) do ăn gạo không có cám.

 Tên gọi beriberi có nghĩa là “tôi không thể”, ý nói khi mắc chứng nan y này thì người bệnh không thể cử động được. Thực vậy, thiếu vitamin B1, bệnh nhân nằm thở dốc trên giường. Nhưng chỉ với một mũi tiêm Thiamin là có thể hồi phục ngay.

Công dụng

 Vitamin B1 có nhiều công dụng như sau:

– Giữ vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể.

– Giúp các tế bào chuyển hóa carbohydrat thành năng lượng

– Giúp cơ thể chuyển hóa glucose thành chất béo.

– Rất cần thiết cho các chức năng thần kinh não bộ, tim. Não bộ chỉ sử dụng nguồn năng lượng duy nhất từ glucose, nên rất cần vitamin B1. Tim suy yếu khi thiếu vitamin B1.

– Tạo cảm giác ngon miệng và cần thiết cho sự tiêu hóa, tăng trưởng cơ thể và duy trì sức mạnh của cơ bắp.

Nguồn cung cấp

 Vitamin B1 có nhiều trong thực phẩm như mầm lúa mì, thịt nạc (nhất là thịt heo), cá, mầm đậu nành, hạt hướng dương, gạo lứt, lòng đỏ trứng, gan...

 Vitamin B1 tổng hợp ở dạng Thiamin Hydrocholoridum là một loại bột kết tinh màu trắng, hòa tan trong nước, được bán trên thị trường với các tên biệt dược như là Benerva, Betabian, Beneurin...

 Sự thu hái, tồn trữ, biến chế thực phẩm có ảnh hưởng tới hàm lượng vitamin B1. Có thể gặp hiện tượng thiếu vitamin B1 ở những người sống trong vùng tiêu thụ nhiều gạo trắng, xay xát kỹ hoặc sau khi mùa lúa chín bị ngập lụt lâu ngày.

 Nhiệt độ cao, sự oxy hóa, quá trình đóng hộp thực phẩm đều làm giảm lượng vitamin B1. Đường tinh chế cũng mất đi hầu hết vitamin B1. Khi nấu thức ăn thì vitamin B1 hòa tan trong nước nên dễ bị phân hủy trong nước sôi.

 Khi ăn sống (gỏi) các hải sản như cá, tôm, sò cũng làm cho vitamin B1 bị phân hóa và mất tác dụng.

 Uống nhiều rượu, nước trà hoặc nhai lá trà (chè) cũng ngăn chặn sự hấp thụ vitamin B1.

 Vitamin B1 được ruột non hấp thụ, chuyển vào máu và được tồn trữ trong gan, thận, tim, não, cơ thịt. Vì hòa tan trong nước nên lượng vitamin B1 thừa sẽ được thải ra theo nước tiểu.

Nhu cầu

 Mỗi ngày nên tiêu thụ khoảng 1-3mg vitamin B1. Khi chế độ ăn giàu carbohydrat thì có thể gia tăng nhiều hơn.

 Thiếu vitamin B1 thì con người trở nên mệt mỏi yếu đuối, kém tập trung, ăn mất ngon, đau bụng, buồn nôn, đầu ngón tay tê dại, tim đập nhanh, thậm chí có thể bị suy tim.

 Thiếu vitamin B1 lâu ngày có thể mắc bệnh tê phù (beriberi), viêm dây thần kinh ngoại vi, mất cảm giác, gầy mòn, sưng phù, suy tim.

Khuyến nghị mức tiêu thụ vitamin B1 (Thiamin) trong khẩu phần hàng ngày

Nhóm tuổi
Nam Nữ
0-5 tháng 0,1 mg 0,1 mg
6-8 tháng 0,2 mg 0,2 mg
9-11 tháng 0,2 mg 0,2 mg
12-36 tháng 0,2 mg 0,2 mg
3-5 tuổi 0,7 mg 0,5 mg
6-7 tuổi 0,8 mg 0,7 mg
8-9 tuổi 1 mg 0,9 mg
10-11 tuổi 1,2 mg 1,1 mg
12-14 tuổi 1,4 mg 1,3 mg
15-17 tuổi 1,4 mg 1,2 mg
18-19 tuổi 1,4 mg 1,2 mg
20-29 tuổi 1,3 mg 1,1 mg
30-49 tuổi 1,2 mg 1 mg
50-69 tuổi 1,2 mg 1 mg
≥ 70 tuổi 1,1 mg 1 mg
Phụ nữ có thai +0,2 mg
Phụ nữ cho con bú + 0,2 mg

 Nguồn: Nutri ALL


Thận trọng: Thông tin trên không phải là tư vấn y tế và chỉ dùng để tham khảo hoặc nghiên cứu. Hãy xin ý kiến bác sĩ trước khi điều trị hoặc bổ sung dinh dưỡng.

Kiểm tra chỉ số

Xem kết quả
Xem kết quả