Chất bột đường (Glucid)
Các chất bột đường, hay còn được gọi là glucid hoặc carbohydrate, là các thành phần cơ bản nhất, chiếm khối lượng lớn nhất của các bữa ăn và là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Carbohydrate chia làm 3 nhóm phụ thuộc vào cấu trúc phân tử:
Đường đơn (Monosaccharides): có trong trái cây như nho (đường glucose) và các loại trái cây khác (đường frutose)
Đường đôi (Disaccharides): có trong mía, củ cải đường (đường Sucrose), trong sữa (đường lactose), hoặc trong mầm lúa, mạch nha (đường maltose)
Đường đa (Polysaccharides): Có trong tinh bột (gạo, mỳ, khoai...) hoặc chất xơ (fiber).
Các loại đường và tinh bột khi đưa vào cơ thể được chuyển hóa thành glucose, fructose, galactose. Glucose lưu thông trong máu và cung cấp năng lượng cho các tế bào. Khi tế bào không dùng hết thì glucose tuyến tụy sẽ tiết ra hormon insulin để chuyển hóa bột đường thành glycogen, tồn trữ trong cơ và gan hoặc được chuyển thành mỡ.
Khi lượng đường trong máu xuống thấp, tuyến tụy sẽ tiết ra hormon là glucagon để kích thích việc chuyển glycogen trở lại thành glucose.
Vai trò dinh dưỡng của cabohydrate
Cung cấp năng lượng: Trong dinh dưỡng, vai trò chính của glucid là sinh năng lượng. Hơn 60% năng lượng của khẩu phần đối với một bữa ăn thông thường của người Việt là do glucid cung cấp. Trong cơ thể 1g glucid được oxy hóa cho 4kcal, đó là nguồn năng lượng chính cho hoạt động của cơ thể.
Vai trò tạo hình: Ngoài vai trò sinh năng lượng, ở mức độ nhất định glucid có cả vai trò tạo hình vì có mặt trong thành phần tế bào, tổ chức. Mặc dù cơ thể luôn luôn phân hủy glucid để cung cấp năng lượng, mức glucid trong cơ thể vẫn ổn định nếu ăn vào đầy đủ.
Điều hoà hoạt động của cơ thể: Glucid liên quan chặt chẽ với chuyển hoá lipid. Khi nhu cầu năng lượng cao mà dự trữ glucid của cơ thể và glucid của thức ăn không đầy đủ, cơ thể tạo glucid từ lipid. Khả năng tích chứa có hạn của glucid trong cơ thể dẫn đến sự chuyển dổi dễ dàng một lượng thừa glucid thành lipid tích lũy trong các tổ chức mỡ dự trữ của cơ thể. Khẩu phần ăn được cung cấp đầy đủ glucid làm giảm phân huỷ protein đến mức tối thiểu. Ở các khẩu phần nghèo protein, khẩu phần đầy đủ glucid có khả năng tiết kiệm protein. Ngược lại khi lao động nặng nếu cung cấp glucid không đầy đủ sẽ làm tăng phân huỷ protein.
Khuyến nghị về mức tiêu thụ đường đơn và đường đôi (đường ngọt)
So với đường đơn và đường đôi thì đường đa (tinh bột) có thời gian hấp thu chậm hơn do đó không làm tụy hoạt động quá tải do phải sản xuất nhiều hooc môn insulin trong một khoảng thời gian ngắn.
Theo tháp dinh dưỡng do Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam công bố thì mỗi ngày, một người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 25 gam đường đơn hoặc đường đôi (đường ngọt), đã bao gồm đường có trong các loại bánh kẹo hoặc đồ uống. Với trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, mức khuyến nghị tiêu thụ đường ngọt thấp hơn đáng kể, chỉ còn 15 gam mỗi ngày.
Khuyến nghị mức tiêu thụ chất bột đường (glucid - carbohydrate) trong khẩu phần ăn hàng ngày
Nguồn: Nutri ALL
Thận trọng: Thông tin trên không phải là tư vấn y tế và chỉ sử dụng để tham khảo và nghiên cứu. Hãy xin ý kiến bác sĩ trước khi điều trị hoặc bổ sung dinh dưỡng.