Vitamin B12 (Cobalamin)
Theo bác sĩ Nguyễn Ý Đức trong sách Dinh dưỡng và Thực phẩm, bệnh thiếu máu ác tính (pernicious anemia) là một bệnh hiểm nghèo, được bác sĩ người Anh Thomas Addison mô tả từ năm 1849. Nhưng phải sau gần một thế kỷ tìm kiếm, nghiên cứu, khoa học mới tìm ra được nguyên nhân và thuốc chữa bệnh.
Năm 1948, các nhà khoa học đã tách từ gan ra một chất màu đỏ có công dụng trị bệnh thiếu máu ác tính và đặt tên là vitamin B12 (Cobalamin).
Điều đặc biệt là, cơ thể thực vật và động vật bậc cao không tự tổng hợp được vitamin B12, nhưng vào năm 1955, các nhà khoa học của Đại học Harvard tổng hợp được loại vitamin này trong phòng thí nghiệm.
Và ngày nay, bệnh thiếu máu ác tính đã được khắc phục bởi vitamin B12.
Vitamin B12 có cấu trúc hóa học lớn và phức tạp nhất trong số các vitamin và có nguyên tố coban trong phân tử nên còn có tên khác là cobalamin.
Sự hấp thụ
Vitamin B12 là loại vitamin duy nhất cần có một nhân tố nội tại (intrinsic factor) đặc biệt trong dạ dày là glycoprotein để có thể hấp thụ ở ruột. Sự hấp thụ vitamin này kéo dài đến mấy giờ, trong khi các vitamin hòa tan trong nước chỉ cần ít phút. Hấp thụ giảm khi thiếu glycoprotein vì bệnh dạ dày, hoặc giảm glycoprotein ở người cao tuổi, hoặc khi cơ thể thiếu khoáng chất sắt và vitamin B6.
Trong thực phẩm gốc động vật, vitamin B12 gắn liền với một đơn vị chất đạm. Khi thực phẩm vào dạ dày thì chúng tách rời ra và vitamin B12 được kết hợp với glycoprotein và chuyển qua ruột để hấp thụ.
Gan là cơ quan dự trữ nhiều vitamin B12 nhất, rồi đến thận, bắp thịt, phổi. Lượng vitamin B12 thừa được thải ra ngoài theo nước tiểu.
Công dụng
Vitamin B12 giữ các chức năng sau:
– Cần để tạo hồng huyết cầu từ tủy xương.
– Duy trì tốt các tế bào thần kinh.
– Giúp sự tăng trưởng của trẻ em.
– Giúp sự chuyển hóa chất béo, carbohydrat và chất đạm trong thực phẩm.
– Làm chậm diễn tiến từ nhiễm HIV dương tính sang bệnh AIDS.
– Giảm nguy cơ gây bệnh tim.
Thiếu vitamin B12 thường gây ra các vấn đề sau:
- Thiếu máu hồng cầu to và thiếu máu ác tính là dạng đặc biệt của thiếu máu hồng cầu to.
- Triệu chứng bệnh thần kinh nặng bao gồm thoái hóa thần kinh tủy sống bán cấp, liệt thần kinh ngoại biên tiến triển, giảm hoặc mất trí nhớ và tâm thần phân liệt. Biểu hiện bệnh thần kinh xảy ra ở khoảng 75-90% bệnh nhân bị thiếu vitamin B12.
- Các triệu chứng đường tiêu hóa gồm: đau lưỡi, ăn không ngon miệng, đầy hơi và táo bón.
- Thiếu vitamin B12 là nguyên nhân dẫn tới các bệnh tim mạch đối với người cao tuổi.
- Thiếu vitamin B12 làm tăng tỷ lệ DNA bị tổn thương là tác nhân gây ung thư.
- Thiếu vitamin B12 ở phụ nữ có thai cũng gây dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.
Nguy cơ bị thiếu vitamin B12 gồm:
- Người già, người bị thiếu dịch vị dạ dày do giảm khả năng hấp thu vitamin B12.
- Bệnh nhân cắt dạ dày, cắt hồi tràng hoặc viêm hồi tràng. Những bệnh này làm giảm hấp thu vitamin B12 do thiếu dịch vị và giảm hấp thu vitamin B12 có gắn vào protein trong thực phẩm.
- Những người ăn chay trường vì vitamin B12 không có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
- Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ thiếu vitamin B12 vì cyanide có trong thuốc lá làm tăng sự bài tiết vitamin B12.
Nguồn cung cấp
Các thức ăn động vật là nguồn cung cấp vitamin B12.
Vitamin B12 được tạo ra nhiều nhất do các vi khuẩn đường ruột của các động vật ăn cỏ, và được kết hợp với chất đạm của động vật đó. Vì thế, vitamin B12 có nhiều trong thịt bò cũng như gan, thận, tim, tụy tạng... Ngoài ra cá, thịt gà, lòng đỏ trứng, pho-mát, sữa, sò, cua cũng là nguồn thức ăn giàu vitamin B12.
Vitamin B12 khác với các loại vitamin nhóm B khác nó hầu như không có trong các trong các thức ăn thực vật.
Vitamin B12 hòa tan trong nước, rất dễ bị phân hủy khi ở ngoài cơ thể.
Nhu cầu
Nhu cầu mỗi ngày là từ 2µg đến 2.5µg vitamin B12. Vitamin B12 không có độc tính và thừa vitamin B12 không gây hậu quả đối với sức khỏe.
Khuyến nghị mức tiêu thụ vitamin B12 (cobalamin) trong khẩu phần hàng ngày
Nguồn: Nutri ALL
Thận trọng: Thông tin trên không phải là tư vấn y tế và chỉ dùng để tham khảo hoặc nghiên cứu. Hãy xin ý kiến bác sĩ trước khi điều trị hoặc bổ sung dinh dưỡng.