Ma-giê (Manesium)
Ma-giê (Manesium) có khá nhiều vai trò quan trọng và hầu như tế bào nào cũng cần đến, nhưng với lượng rất ít. Toàn bộ cơ thể chỉ có khoảng gần 30g ma-giê với 60%-70% trong xương, số còn lại lưu hành trong máu (1%-2%), và các mô mềm (28%-29%). Gan và bắp thịt có nhiều ma-giê hơn các mô mềm khác.
Ma-giê là thành phần của nhiều loại enzym trong cơ thể. Đây là những chất rất cần thiết để điều hòa việc sản xuất năng lượng, cấu tạo chất đạm và DNA, chuyển hóa chất dinh dưỡng.
Cùng với can-xi, ma-giê giúp xương vững chắc và duy trì huyết áp bình thường; giúp bắp thịt co duỗi; chuyên chở calci và kali trong máu, giúp điều hòa nhịp tim đập.
Khi cơ thể thiếu ma-giê thì huyết áp có thể lên cao, nhịp tim đập bất thường, có thể dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim. Đồng thời sự co giãn của bắp thịt bị rối loạn, trong người mệt mỏi, buồn rầu, biếng ăn.
Thực ra, ít khi xảy ra thiếu ma-giê vì khoáng chất này có nhiều trong thực phẩm. Nhưng nếu bị ói mửa, tiêu chảy kéo dài, bị bệnh thận, gan, uống nhiều rượu hoặc dùng thuốc lợi tiểu thì có thể bị thiếu ma-giê. Các triệu chứng thiếu ma-giê là táo bón, mất ngủ, mất định hướng, bị ảo giác...
Điều cần lưu ý là những người cao tuổi thường bị táo bón, và hay dùng sữa ma-giê (magnesium hydroxide) để nhuận tràng. Nếu dùng loại thuốc này quá thường xuyên và kéo dài, thận không kịp bài tiết, khiến ma-giê tích tụ trong máu, có thể gây trúng độc. Người bệnh cảm thấy chóng mặt, buồn ngủ, kiệt sức, đổ mồ hôi, tiếng nói lơ lớ, đi đứng không vững và tim đập không đều.
Nhiều ma-giê đến mức ngộ độc là trong trường hợp suy thận, không thải được lượng ma-giê thừa, có thể đưa tới rối loạn hô hấp, suy tim, hôn mê.
Nguồn cung cấp ma-giê gồm có hạt vừng, cám lúa mạch, rau có màu lục, thịt, sữa, quả hạch, các loại đậu, hạt, chuối, mận...
Nhu cầu bình quân hằng ngày của nam giới là 350mg, phụ nữ là 280mg. Phụ nữ trong giai đoạn mang thai hoặc cho con bú nên tăng thêm khoảng 40mg mỗi ngày.
Khuyến nghị mức tiêu thụ ma-giê trong khẩu phần hàng ngày
Nguồn: Nutri ALL
Thận trọng: Thông tin trên không phải là tư vấn y tế và chỉ dùng để tham khảo hoặc nghiên cứu. Hãy xin ý kiến bác sĩ trước khi điều trị hoặc bổ sung dinh dưỡng.