Tháp dinh dưỡng - Hiểu thế nào cho đúng?
Tháp dinh dưỡng là gì?
Tháp dinh dưỡng được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng trung bình của một nhóm đối tượng ăn có nhu cầu dinh dưỡng tương đương.
Tháp dinh dưỡng đưa ra mức khuyến nghị về việc sử dụng thực phẩm theo từng nhóm chất để làm căn cứ xây dựng khẩu phần ăn cân đối về mặt dinh dưỡng giữa các nhóm chất.
Tầng tháp trong tháp dinh dưỡng là gì?
Tại sao lại là “tháp dinh dưỡng” ? Vì các nhóm thức ăn được xếp theo nhu cầu ít nhất nhất ở tầng cao nhất và tăng dần ở các nhóm ở tầng thấp hơn theo thứ như sau:
- Nhóm thức ăn cung cấp muối, đường và các chế phẩm của muối như bột canh, hạt nêm, nước mắm, xì dầu...
- Nhóm thức ăn cung cấp chất béo như dầu ăn, mỡ, bơ..
- Nhóm sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai…
- Nhóm thức ăn cung cấp chất đạm như thịt, cá, trứng các loại hạt giàu đạm như đậu, lạc…
- Nhóm rau, quả bao gồm các loại rau tươi các loại quả, trái cây phổ biến
- Nhóm thức ăn cung cấp chất bột đường như cơm, bánh mỳ, các loại bún phở, ngô, khoai…
- Nhóm nước uống.
Trong các loại thức ăn trên, có những loại được khuyến nghị tiêu thụ hạn chế như muối, đường ngọt là các chất ngọt hay còn gọi là đường đơn hoặc đường đôi để phân biệt với các chất bột như gạo, bột mì cũng chưa đường nhưng gọi là đường đa.
Có những thực phẩm được khuyên tiêu thụ ở mức vừa đủ như nhóm dầu mỡ, chất béo, chất đạm, bột đường.
Nhóm rau quả tươi, sữa, nước uống nên tiêu thụ đủ theo mức khuyến nghị, nhất là trong khẩu phần ăn của người Việt nói chung và trẻ em nói riêng thường ít rau quả và hầu như không đáp ứng đủ nhu cầu về sữa và các chế phẩm từ sữa.
Tháp dinh dưỡng cho phụ nữ có thai với mức cung cấp dinh dưỡng theo từng thai kỳ
Đơn vị ăn trong tháp dinh dưỡng là gì?
Thức ăn trong cùng một nhóm (cùng tầng tháp) được quy đổi thành các đơn vị ăn. Đơn vị ăn trong tháp dinh dưỡng được thể hiện bằng dụng cụ chứa đựng, đong đếm thông dụng như thìa muỗng, bát, tô, ly…hoặc bằng hình ảnh trực quan như miếng bánh, củ khoai, bắp ngô đồng thời có quy đổi theo đơn vị tính là gam…
Ví dụ: Một đơn vị ăn thực phẩm cung cấp nhiều chất béo được tính là 5 gam dầu ăn hoặc 5 gam mỡ nước, tương đương với 1 thìa cà phê dầu, mỡ, hoặc 6 gam bơ;
Một đơn vị ăn thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm được tính bằng 4 miếng thịt lợn nạc (31 gam) hoặc 1 miếng thịt gà (42 gam) hoặc 1 quả trứng gà cỡ trung bình (47gam) hoặc 3 miếng đậu phụ chiên (58 gam) …
Một đơn vị ăn thực phẩm cung cấp chất bột đường được tính bằng 55 gam cơm tẻ (nửa bát cơm), 60 gam bánh phở hoặc 1 lát bánh mỳ (27 gam) hoặc 1 củ khoai tây (95 gam), 1 củ khoai lang (84 gam)…
Đơn vị ăn của các nhóm thức ăn (tầng tháp) còn lại cũng được tính theo cách tương tự.
Trong tháp dinh dưỡng, mỗi nhóm đối tượng lại được khuyến nghị tiêu thụ một số lượng đơn vị ăn khác nhau trong từng tầng tháp. Ví dụ: Tầng tháp gồm các thức ăn cung cấp bột đường thì với độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi cần tiêu thụ từ 5 đến 6 đơn vị ăn, với nhóm trẻ từ 6 đến 11 tuổi thì số lượng đơn vị ăn tiêu thụ hàng ngày của tầng tháp này là từ 8 đến 13 đơn vị ăn.
Hiểu cho đúng về tháp dinh dưỡng và hình thành thói quen sử dụng tháp dinh dưỡng trong việc lên thực đơn và tính khẩu phần ăn để đảm bảo một chế đô dinh dưỡng hợp lý, làm nền tảng cho một cơ thể khỏe mạnh.
Ngọc Bích