Một số vấn đề khi tính khẩu phần ăn của trẻ mầm non theo thông tư 28
Thông tư 28 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30/12/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 2 năm 2017, tuy nhiên sau các chương trình tập huấn chuyên môn hè năm 2017 do Vụ giáo dục mầm non tổ chức, vào đầu năm học hới 2017 – 2018 các trường mầm non trong toàn quốc mới chính thức áp dụng.
Trong thông tư 28, có nhiều nội dung thay thế, bổ sung so với thông tư 17 năm 2009 trong đó có một nội dung quan trọng được sửa đổi là chế độ dinh dưỡng cho bậc học mầm non.
Thay đổi cơ bản trong chế độ ăn mới của trẻ theo thông tư 28 đó là giảm năng lượng cung cấp đồng thời nâng cao chất lượng bữa ăn thông qua việc tăng tỷ lệ các chất đạm, chất béo, giảm tỷ lệ chất bột đường trong khẩu phần ăn. Tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế mặc dù đã áp dụng chế độ ăn theo thông tư 28 được khá lâu rồi nhưng vẫn rất lúng túng vì “đã quen cho các cháu ăn nhiều cơm trong khẩu phần ăn”
Ngoài ra, thông tư 28 cũng quy định mức năng lượng và tỷ lệ các chất sinh năng lượng (các chất đạm, béo, bột đường) cung cấp thông qua bữa ăn của trẻ được phép dao động trong một khoảng nhất định, quy định có tính “mở”, giúp cho các cơ sở mầm non trong toàn quốc tại các địa bàn có các điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau có thể áp dụng chế độ ăn cho trẻ một cách linh hoạt mà không lo bị sai so với quy định.
Theo thông tư 28, chế độ ăn quy định cho độ tuổi mẫu giáo ở trường bao gồm một bữa chính và một bữa phụ và đối với độ tuổi nhà trẻ là một bữa ăn buổi trưa, một bữa ăn buổi chiều và một bữa phụ.
Qua khảo sát thực tế từ một số địa phương, chúng tôi nhận thấy là có một số cơ sở giáo dục mầm non đang áp dụng một cách khá máy móc là cho nhóm nhà trẻ ăn bữa ăn buổi trưa và bữa ăn buổi chiều với định lượng thức ăn tương đương nhau, cá biệt có một số trường cho ăn giống hệt nhau ở hai bữa ăn này, có nghĩa là bữa trưa cho ăn món gì thì bữa chiều cũng cho ăn đúng các món như vậy với lượng thức ăn giống hệt nhau.
Việc cho ăn hai bữa với định lượng tương đương trong một khoảng thời gian ngắn, ngoài việc khiến cho trẻ không thể ăn hết suất ăn buổi chiều, vừa lãng phí vừa không cung cấp đủ dinh dưỡng theo khẩu phần quy định.
Để xảy ra tình trạng trên thường là do người chịu trách nhiệm lên thực đơn và tính khẩu phần ăn của trẻ trong trường mầm non đã không chú ý đến quy định cụ thể trong thông tư 28 là” Bữa ăn buổi trưa cung cấp từ 30% đến 35% năng lượng cả ngày, bữa ăn buổi chiều cung cấp từ 25% đến 30% năng lượng cả ngày và bữa phụ cung cấp khoảng 5% đến 10% năng lượng cả ngày. Như vậy là có sự chênh lệch về định lượng dinh dưỡng giữa bữa ăn buổi trưa và bữa ăn buổi chiều, cụ thể là bữa ăn buổi chiều cần phải giảm định lượng so với bữa ăn buổi trưa từ 5% đến 10% năng lượng cả ngày.
Hi vọng trong thời gian tới, thông qua các đợt tập huấn nghiệp vụ và tài liệu hướng dẫn cụ thể từ các cấp quản lý, cán bộ phụ trách dinh dưỡng tại các trường mầm non sẽ sớm nắm bắt chính xác nội dung quy định về chế độ ăn của trẻ mầm non theo thông tư 28 để áp dụng vào bữa ăn của trẻ đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao thể trạng cho trẻ mầm non.
Ngọc Bích
Phần mềm quản lý dinh dưỡng tổng thể Nutri ALL là sản phẩm phần mềm chuyên sâu về quản lý dinh dưỡng, phần mềm đã được cài đặt mặc định các chế độ ăn và cho phép người dùng dễ dàng thiết lập và điều chỉnh chế độ ăn của trẻ trong phạm vi quy định bởi thông tư 28.
Ngoài ra, phần mềm Nutri ALL còn hỗ trợ để lập và in hầu hết các loại sổ sách, báo cáo liên quan đến lĩnh vực dinh dưỡng mầm non.
Cuối năm 2017, phần mềm Nutri ALL đã được Viện dinh dưỡng quốc gia tiến hành thẩm định theo đề nghị từ Vụ giáo dục mầm non và được xếp loại xuất sắc cho hoạt động khoa học, công nghệ.