Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi

Nutri ALL - Hiện nay, Viện dinh dưỡng quốc gia đã công bố 4 loại tháp dinh dưỡng (giai đoạn 2016 – 2020) gồm: Tháp dinh dưỡng áp dụng cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi (độ tuổi mẫu giáo); Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 6 đến 11 tuổi (tương đương với độ tuổi tiểu học); Tháp dinh dưỡng cho người Trưởng thành và Tháp dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Bài viết này sẽ hướng dẫn quy tắc vận dụng Tháp dinh dưỡng áp dụng cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi vào tính định lượng thực phẩm hàng ngày để tính khẩu phần ăn cho trẻ mầm non.

Trước tiên, cần dựa vào khuyến nghị số lượng tiêu thụ các nhóm thức ăn tính theo đơn vị ăn trong mỗi tầng tháp để tính toán khối lượng thực phẩm trong xây dựng khẩu phần ăn. Với nhóm trẻ từ 3 đến 5 tuổi thì tính như sau:

1. Tầng tháp thứ nhất: Muối và đường.

1.1. Muối

Muối cần tiêu thụ ít hơn 3 gam, khoảng gần 1/2 thìa cà phê cho cả ngày. Nếu quy đổi theo đơn vị ăn thì 3 gam muối tương đương 5 gam bột canh, 6 gam hạt nêm 15 gam nước mắm hoặc 21 gam xì dầu. Căn cứ vào đó ta có thể cho ăn theo một trong các cách sau:

- Chỉ sử dụng muối: Không quá 3 gam/1 ngày, khoảng nửa thìa cà phê (1/2 teaspoon - tsp)

- Nếu cho ăn thay thế muối hoàn toàn bằng bột canh: Không quá 5 gam bột canh, khoảng 1 thìa cà phê (1 teaspoon).

- Kết hợp muối và bột canh: Không quá 2 gam muối và thêm 1,5 gam bột canh.

- Kết hợp muối, bột canh và hạt nêm:  Không quá 1 gam muối 2 gam bột canh và 1,5 gam hạt nêm.

- Kết hợp muối, bột canh hạt nêm và nước mắm: Không quá 1,5 gam muối, 1 gam bột canh, 1 gam hạt nêm và khoảng 2 gam nước mắm.

(Lưu ý: Đây là mức áp dụng cho cả ngày ăn, nếu tính ăn ở trường thì cần nhân lượng trên với tỷ lệ cung cấp dinh dưỡng ở trường. Theo quy định hiện hành, đối trẻ trong độ tuổi mẫu giáo thì tỷ lệ cung cấp dinh dưỡng ở trường là 50 đến 55% nhu cầu dinh dưỡng cả ngày)

Thap-3-5-tuoi-tang-1.png

Tầng tháp thứ nhất (bấm vào hình để phóng to)

1.2. Đường

Đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi, khuyến nghị mức tiêu thụ đường hàng ngày không vượt quá 3 đơn vị ăn đường, tương đương 3 thì cà phê. Mỗi 5 gam đường trắng tương đương với 6 gam mật ong. Như vậy hàng ngày không nên cho trẻ ăn:

 - Không quá 3 đơn vị ăn x 5 gam =15 gam đường trắng, hoặc

 - Không quá 3 đơn vị ăn x 6 gam =18 gam mật ong (khoảng 1 thìa canh - 15ml), trong trường hợp  thay thế hoàn toàn đường trắng bằng mật ong

 - Cho ăn 12 gam mật ong (2 thìa cà phê) thì không cho ăn thêm quá 5 gam đường trắng (1 thìa cà phê), trong trường hợp cho ăn kết hợp.

Các loại kẹo ngọt chứa nhiều đường cũng được khuyến nghị hạn chế cho trẻ ăn.

2. Tầng tháp thứ hai: Nhóm thực phẩm cung cấp chất béo - Dầu mỡ.

Trẻ từ 3 đến 5 tuổi cần được cung cấp 5 đơn vị ăn dầu mỡ trong khẩu phần. Mỗi đơn vị ăn dầu mỡ tương đương với 5 gam dầu ăn hoặc 5 gam mỡ, lượng bằng 1 thìa cà phê (teaspoon - tps). Theo đó, mỗi ngày chúng ta cần cho trẻ ăn 5 đơn vị ăn x 5 gam = 25 gam dầu thực vật hoặc mỡ động vật.

Mỗi đơn vị ăn dầu mỡ tương đương với 6 gam bơ động vật, nếu cho ăn thay thế dầu ăn hoàn toàn bằng bơ thì ta cần cho trẻ ăn từ 30 gam bơ. Nếu cho ăn kết hợp thì có thể sử dụng dầu mỡ vào chế biến các món ăn theo các mức như sau:

- 10 gam dầu ăn tương đương 2 thìa cà phê (teaspoon - tps) và thêm khoảng 15 gam mỡ, tương đương 3 thìa cà phê hoặc 1 thìa canh  (tablespoon - tbsp); Hoặc

- 10 gam dầu ăn, 10 gam mỡ và từ 5 gam bơ.

 

Thap-3-5-tuoi-tang-2.png

Tầng tháp thứ hai (bấm vào hình để phóng to)

3. Tầng tháp thứ ba: Sữa.

Mỗi đơn vị sữa được tính tương đương với 100ml sữa nước hoặc 1 hộp (100gam) sữa chua hoặc 15 gam pho-mát. Nhu cầu mỗi ngày của trẻ là 4 đơn vị ăn sữa tương đương với 400 ml sữa nước hoặc 4 hộp sữa chua 100 gam hoặc 4 miếng pho-mát. Có thể cho sử dụng kết hợp trong các bữa phụ trong ngày như sau:

- 400 ml sữa nước (2 cốc), hoặc

- 300 ml sữa nước, (2 cốc nhỏ) thêm 1 hộp sữa chua, hoặc

- 220 ml (2 hộp giấy 110ml) sữa nước và 2 hộp sữa chua loại 80 gam/1 hộp, hoặc

- 200 ml sữa nước (1 cốc), thêm 1 hộp sữa chua và  thêm 1 miếng pho-mát 15 gam.

Lưu ý: Tuyệt đối không cho thêm đường vào khi pha sữa công thức.

Thap-3-5-tuoi-tang-3.png

Tầng tháp thứ ba (bấm vào hình để phóng to)

4. Tầng tháp thứ tư: Nhóm thực phẩm cung cấp protein - Thịt cá, trứng, đậu đỗ

 Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam thì trẻ 3 đến 5 tuổi cần được cung cấp 25 gam protein mỗi ngày.

Lượng protein này được cung cấp chủ yếu từ nhóm thực phẩm chứa nhiều protein như thịt, cá, trứng, các loại hạt, đậu.

Mỗi ngày trẻ cần được cho ăn 3,5 đơn vị ăn các thực phẩm chứa nhiều protein như thịt, cá, trứng, đậu đỗ. Theo đó mỗi đơn vị ăn tương đương với 4 miếng thịt lợn nạc 31 gam hoặc 1 miếng thịt ức gà 42 gam hoặc 1 quả trứng 47 gam...

Nếu quy đổi lượng protein này thành các đơn vị ăn thực phẩm cung cấp protein thì bình quân mỗi đơn vị ăn các loại thực phẩm này sẽ cung cấp khoảng 5,5 gam protein.

Để cung cấp khoảng 5.5 gam protein có thể tham khảo thêm số liệu theo bảng sau:

Thực phẩm Khối lượng (gam) Lượng protein cung cấp (gam)
Thịt bò bắp 26 5,5
Cá trắm cỏ bỏ xương 32 5,5
Cá hồi bỏ xương 25 5,5
Cá ngừ bỏ xương 26 5,5
Thịt ngan bỏ xương 31 5,4
Thịt bê nạc 27,5 5,5
Thịt lợn nạc vai 26 5,5
Thịt lợn sấn mông 32 5,6
Sườn lợn bỏ xương 30 5,4
Sườn lợn cả xương 70 5,4
Đùi gà công nghiệp bỏ xương 30 5,4
Trứng vịt (1 quả khoảng 70 gam) 42 5,5

 

 Tham khảo một số cách cho ăn các thực phẩm cung cấp protein hàng ngày:

- Bữa sáng: 1 quả trứng gà khoảng 47 gam; Bữa trưa: 3 miếng thịt lợn nạc khoảng 24 gam và thêm nửa miếng ức gà khoảng 20 gam ; Bữa tối: 1 miếng thịt lợn sấn mông (8 gam) và 1 miếng cá hồi 25 gam.

- Bữa sáng: 6 đến 7 lát thịt bò bắp (khoảng 25 gam); Bữa trưa: 3 miếng thịt nạc vai (khoảng 26 gam) và thêm 1/2 quả trứng gà ; Bữa tối: 1 miếng đùi gà (30 gam).

- Bữa sáng: 1 miếng sườn bỏ xương 30 gam; Bữa trưa: 1 miếng đùi gà bỏ xương 30 gam và thêm 2 miếng thịt lợn sấn mông (15 gam); Bữa tối: 28 gam thịt bê nạc.

Thap-3-5-tuoi-tang-4.png

Tầng tháp thứ tư (bấm vào hình để phóng to)

5. Tầng tháp thứ năm: Rau, quả trái cây.

5.1. Rau và của quả dùng làm rau.

Mỗi đơn vị ăn rau tương đương với 80 gam rau (khoảng nửa bát ăn cơm) đã được nấu chín chưa bao gồm nước canh, mỗi ngày trẻ cần được cho ăn 2 đơn vị ăn rau, tương đương với 160 gam rau nấu chín như rau muống, đậu cô ve, bí luộc, rau cải, rau ngót nấu canh. Như vậy, nếu cho trẻ ăn hai bữa chính thì mỗi bữa nên cho trẻ ăn khoảng 80 gam rau nấu chín.

5.1. Trái cây.

Mỗi đơn vị ăn trái cây cũng được tính tương đương 80 gam, ước lượng bằng 1 miếng dưa hấu hoặc xoài, 1 quả hồng xiêm hoặc 1 múi bưởi to... Mỗi ngày trẻ cần được cho ăn 2 đơn vị ăn trái cây, ví dụ cho ăn 1 quả hồng xiêm và bữa phụ buổi chiều và 1 miếng dưa hấu sau bữa ăn tối.

Thap-3-5-tuoi-tang-5.png

Tầng tháp thứ năm (bấm vào hình để phóng to)

6. Tầng tháp thứ sáu: Nhóm thực phẩm cung cấp tinh bột.

Đối với trẻ trong độ tuổi từ 3-5 tuổi, nguồn năng lượng chính trong khẩu phần được cung cấp từ chất bột đường (cabohydrate), tỷ lệ năng lượng từ bột đường trong khẩu phần ăn được khuyến nghị trong khoảng từ 52% đến 60% năng lượng khẩu phần.

Hàng ngày, trẻ mầm non cần được cho ăn từ 5 đến 6 đơn vị ăn chứa chất bột đường. Mỗi đơn vị ăn chất bột tương đương với 1/3 bát cơm nhỏ (55 gam cơm), một miếng bánh mì gối hoặc 60 gam bánh phở...

Nếu trong ngày chỉ cho trẻ ăn cơm, mà không cho ăn bún, phở hoặc ngô khoai thì cần cho trẻ ăn từ 1,6 đến 2 bát cơm, tương đương với khoảng 275 gam cơm (125 gam gạo) đến 330 gam cơm (150 gam gạo).[*]

Nếu trẻ ăn bán trú ở trường với mức cung cấp dinh dưỡng ở trường là 50% đến 55% nhu cầu cả ngày thì sẽ cần cho trẻ ăn khoảng hơn 2 nửa bát cơm, tương đương khoảng 75 đến 85 gam gạo. Nếu cho ăn cơm trong bữa chính và cháo ở bữa phụ thì lượng gạo trên nên được chia ở mức 60 gam gạo cho cơm và 25 gam còn lại cho cháo.

Tuy nhiên, nếu cho ăn 2 bữa ở trường gồm một bữa ăn cơm và bữa còn lại ăn phở thì vì một đơn vị chất bột bằng 60 gam bánh phở tươi nên nếu cho ăn 1 bát phở nhỏ có 60 gam bánh phở thì chỉ cho ăn thêm hơn 1 bát cơm, tương đương với khoảng 70 đến 75 gam gạo. Lượng gạo và phở như trên phù hợp với chế độ ăn cho lứa tuổi mẫu giáo hiện nay bao gồm 1 bữa chính (ăn cơm) và 1 bữa phụ (ăn cháo, phở hoặc bún).

Thap-3-5-tuoi-tang-6.png

Tầng tháp thứ sáu (bấm vào hình để phóng to)

Về cơ bản, nếu xây dựng thực đơn và tính toán khẩu phần ăn cho trẻ theo tháp dinh dưỡng thì sẽ đáp ứng được mức cung cấp các chất  dinh dưỡng đúng theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị.

Hy vọng một vài diễn giải như trên sẽ giúp cán bộ, nhân viên phụ trách nuôi dưỡng trong trường mầm non cũng như các bậc cha mẹ hiểu rõ thêm và có thể vận dụng Tháp dinh dưỡng vào công tác tính ăn cho trẻ một cách hợp lý và khoa học.

[*] Cập nhật ngày 7 tháng 12 năm 2024. Lượng gạo và cơm theo số liệu thực nghiệm của phần mềm Nutri ALL

Nutri ALL

Tháp dinh dưỡng trên phần mềm Nutri ALL
Phần mềm quản lý dinh dưỡng tổng thể Nutri ALL đã tích hợp chức năng kiểm soát định lượng thực phẩm theo Tháp dinh dưỡng trong chức năng tính khẩu phần ăn cho trẻ mầm non đảm bảo đáp ứng được chính xác nhu cầu dinh dưỡng đầy đủ và cân đối. Phần mềm Nutri ALL đã được ứng dụng vào công tác quản lý dinh dưỡng tại hàng nghìn trường mầm non ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.

 

Kiểm tra chỉ số

Xem kết quả
Xem kết quả