Na-tri (Sodium)
Trong cơ thể có khoảng 100g na-tri (sodium). Mỗi lít huyết tương chứa khoảng 3,2g na-tri. Khoảng 50% na-tri nằm trong dung dịch ngoài tế bào, 40% trong xương và 10% trong tế bào.
Thường thường, trong ăn uống người ta có thói quen tiêu thụ nhiều na-tri hơn là can-xi và sắt. Muối ăn được dùng rất phổ biến trong việc nấu thức ăn, ướp thịt, cá, đóng hộp thực phẩm, làm xì dầu, nước tương...
Nguy cơ tiêu thụ quá nhiều na-tri trong sử dụng muối ăn dẫn đến thừa na-tri là cao hơn so với nguy cơ thiếu na-tri.
Công dụng
Na-tri giữ các chức năng sau đây trong cơ thể:
– Điều hòa nồng độ acid-kiềm và sự xuất nhập dịch lỏng ở tế bào.
– Giúp cơ thịt thư giãn.
– Giúp dẫn truyền các tín hiệu thần kinh.
– Giúp điều hòa huyết áp động mạch.
– Có vai trò đặc biệt trong sự hấp thụ carbohydrat.
– Là thành phần cấu tạo mật, dịch vị, tụy tạng, mồ hôi, nước mắt.
Bình thường, cơ thể ít khi bị thiếu na-tri, trừ khi bị nôn mửa, tiêu chảy kéo dài, thận suy hoặc ăn nhạt không muối. Thiếu na-tri tạo cảm giác buồn nôn, chóng mặt, cơ thịt co rút, ra mồ hôi quá nhiều khi làm việc, vận động cơ thể ngoài nắng...
Một số ít người nhạy cảm với na-tri, khi tiêu thụ nhiều quá có thể đưa đến tích tụ na-tri trong cơ thể, làm dịch lỏng ứ đọng, gây sưng phù, tăng huyết áp... Với người bình thường thì khi ăn nhiều, na-tri sẽ được bài tiết ra ngoài.
Nhu cầu
Nhu cầu hằng ngày của na-tri cũng như các chất điện phân khác chưa được xác định, nhưng mức tiêu thụ an toàn mỗi ngày tối thiểu là 0,5g và tối đa không quá 2,5g. Đầu năm 2004, một số chuyên gia y tế khuyên nên giảm lượng na-tri tối đa xuống ở mức 1,5g trong một ngày.
Một thìa nhỏ muối ăn tương ứng với khoảng 5g muối ăn chứa khoảng 2g na-tri. Một lít sữa mẹ chứa khoảng 160mg và sữa bò có chừng 450mg na-tri.
Khuyến nghị giới hạn tiêu thụ na-tri và muối trong khẩu phần hàng ngày
Nguồn: Nutri ALL
Thận trọng: Thông tin trên không phải là tư vấn y tế và chỉ dùng để tham khảo hoặc nghiên cứu. Hãy xin ý kiến bác sĩ trước khi điều trị hoặc bổ sung dinh dưỡng.